“Hãy sống, hãy cháy hết mình, cống hiến hết mình, quả ngọt sẽ dành cho bạn đúng thời điểm. Đừng vội vàng chủ quan và tự mãn với những gì các bạn đã có. Chúng ta chỉ là những hạt cát trong đại dương rộng lớn, hãy tích lũy và học hỏi nhiều hơn nữa.” – Trần Sơn Tùng, Event Manager của Newday Media – người luôn âm thầm đứng sau tất cả mọi công trình sự kiện đồ sộ của Newday Media chia sẻ.
Đằng sau ánh hào quang của vô vàn những sự kiện khủng lồ, ít ai biết đến sự hi sinh thầm lặng của người anh cả trong phòng event Trần Sơn Tùng – người đã luôn sống và cháy hết mình cho những thành công rực rỡ của Newday Media, người đã luôn gánh trên vai những áp lực khi phải chịu trách nhiệm giám sát hàng trăm hạng mục sự kiện lớn nhỏ, quản lý một đội với những con người sáng tạo và đầy cá tính. Áp lực, khó khăn không kể hết, nhất là khi ở trong một ngành luôn biến đổi không ngừng như tổ chức sự kiện, ở anh, người ta vẫn luôn nhìn thấy một sự điềm tĩnh cần có của một người quản lý, sự nghiêm khắc và tỉ mỉ trong từng công việc, trách nhiệm, nhiệt huyết và cảm hứng luôn tràn đầy cùng những đồng nghiệp xung quanh.
Cùng gặp gỡ nhân vật tháng này của Newday Media – Trần Sơn Tùng qua bài phỏng vấn để hiểu hơn về chân dung trưởng phòng “khủng” của phòng event, về những công việc và cách mà anh đã “cháy” cùng với đam mê nghề mãnh liệt khi được sống và làm việc tại Newday.

Trưởng phòng Event Trần Sơn Tùng – Người đứng đằng sau ánh hào quang và những thành công rực rỡ của vô vàn những sự kiện tại Newday Media.
1. Từng là dân khối A học chuyên ngành về công nghệ, lý do gì đã đưa anh đến quyết định theo nghề sự kiện? Những kiến thức về công nghệ có giúp được anh gì trong khi làm sự kiện không?
Thời còn là học sinh cấp 2-3, ngành CNTT rất hot và là niềm đam mê của tôi cũng như nhiều bạn trẻ khác. Ước mơ khi thi Đại học của tôi là được trở thành 1 lập trình viên phần mềm xuất sắc.
Nhưng đến năm thứ 2 Đại học , tôi cùng với một vài người bạn đi làm thêm và bắt đầu được tiếp xúc với ngành sự kiện. Dần dần, tôi nhận thấy Event là một ngành mới mẻ, năng động, sáng tạo, được đi nhiều nơi và học hỏi nhiều thứ mới. Mỗi sự kiện có một đặc thù khác nhau, tính chất và yêu cầu cũng thay đổi liên tục, không có sự lặp lại và nhàm chán.
Kể từ đó, tôi bắt đầu thích và chuyển dần định hướng theo nghề sự kiện.
Có lẽ việc theo học ngành CNTT, lập trình phần mềm đã rèn cho tôi tính cẩn thận và chính xác, tạo cho tôi thói quen cẩn thận, chi tiết, tỉ mỉ trong công việc. Cộng với đó, tôi cũng hay chủ động tự tìm hiểu các lĩnh vực khác có liên quan như các phần mềm đồ họa thiết kế, làm phim, làm nhạc, các phần mềm. Chính những kiến thức này đã giúp ích khá nhiều cho tôi trong công việc như làm một số các thiết kế đơn giản, định hướng về concept, ý tưởng thiết kế, thuận tiện hơn khi làm việc với các ekip làm phim, dễ dàng tiếp thu thêm các kiến thức mới như xây dựng chương trình, viết proposal, viết kịch bản; giám sát sản xuất…
2. Làm việc trong ngành tổ chức sự kiện với vô vàn những áp lực lớn luôn đè nặng trên vai, động lực nào đã khiến anh vượt qua tất cả những khó khăn, áp lực đấy, kể cả sau hàng chục giờ set up không nghỉ?
Để nói về động lực thì chắc sẽ là 2 từ: “Đam mê”. Nếu không có niềm đam mê thì sẽ không thể có động lực để vượt qua các khó khăn thử thách trong công việc, đặc biệt là với nghề Event. Ngoài niềm đam mê thì đó còn là tinh thần trách nhiệm. Nếu như không thường xuyên giám sát, đốc thúc và kiểm tra, nhắc nhở nhân viên, đối tác, rất có thể sản phẩm làm ra sẽ có chất lượng không tốt và không được khách hàng chấp nhận, hoặc có thể sẽ bị trễ deadline. Việc 1 hạng mục setup trễ deadline có thể liên đới dẫn theo nhiều hạng mục khác bị trễ theo. Như vậy công tác setup sẽ không được đảm bảo. Tệ hơn là dẫn đến “bể show” và công sức chuẩn bị của cả 1 ekip sẽ tan thành bọt biển.
3. Bắt đầu với con số 0, trái ngành, trái nghề, làm cách nào mà anh có thể học hỏi và tích luỹ kinh nghiệm để là trở thành Event Manager tại 1 công ty sự kiện có tiếng tăm lớn như Newday Media? Ai là người truyền cho anh cảm hứng nhiều nhất?
Tôi bắt đầu tiếp xúc với event từ vai trò của 1 helper. Khi đó, tôi nói chuyện và học hỏi kinh nghiệm từ mọi người xung quanh: từ người thợ sản xuất, người lắp đặt, người điều khiển thiết bị âm thanh ánh sáng – màn hình LED, người phụ trách nhân sự, người làm kịch bản cho đến các đạo diễn lớn, có tên tuổi trong giới sự kiện và truyền hình. Kể cả các đồng nghiệp trong công ty như những người làm thiết kế, kế toán và cả chính những nhân viên của mình.
cách đó, tôi tích lũy các kiến thức cho bản thân để phục vụ cho các công việc của sự kiện, lượng kiến thức đủ để tôi có thể bao quát được tất cả các mảng, các lĩnh vực trong một sự kiện.
Tôi đã trải qua khá nhiều công ty, từ những công ty rất nhỏ, đến những công ty lớn, kể cả 2 năm làm việc trong tập đoàn Vingroup, mỗi nơi đều có những người cho tôi niềm cảm hứng nhất định với công việc. Nhưng riêng với ngành sự kiện, người cho tôi niềm cảm hứng lớn nhất và tôi học hỏi nhiều nhất là chị Lê Hải Yến – Tổng giám đốc công ty Newday Media. Chị là một người có tâm và có tầm trong nghề sự kiện. Đi từ 2 bàn tay trắng,chị tự lập nên một công ty sự kiện giữa thời điểm ngành này đang nở rộ. Nhưng với cái tâm và nhiệt huyết, cũng như những suy nghĩ táo bạo, ý tưởng mới lạ và độc đáo, chị đã chèo chống công ty tồn tại và phát triển ngày một lớn mạnh. Và hiện nay Newday Media đã trở thành một trong những công ty Event hàng đầu tại miền Bắc nói riêng và Việt Nam nói chung. Chị cũng là một người sếp khó tính, kỹ tính, chi tiết, cẩn thận với nhân viên.
Tôi cảm phục và học hỏi được rất nhiều điều từ chị.

4. Vậy dưới vai trò là một người quản lí phòng event – anh nhận thấy đâu là việc làm anh cảm thấy áp lực nhất?
Đứng dưới vai trò là người quản lý của phòng Event, việc khiến tôi cảm thấy áp lực nhất là khi đối mặt với các deadline của sếp và của khách hàng. Tiếp theo đó là việc quản lý, duy trì năng lượng hoạt động của phòng, động viên, kiểm điểm từng nhân viên để họ nhìn nhận được những mặt mạnh, mặt yếu của mình để phát triển và thay đổi, tạo nên một tập thể đoàn kết và lớn mạnh.
Khác với việc một nhân viên bình thường, chỉ tập trung vào chuyên môn cũng như các công việc được giao, thì người quản lý sẽ phải quản lý bao quát công việc của từng nhân viên. Đồng thời cũng phải bao quát tất cả các event đang trong quá trình đấu thầu, triển khai. Kiểm tra được tính hợp lý, khả thi của các đề xuất của mỗi nhân viên.
5. Từng có một thời gian anh tạm dừng công việc tại Newday Media để chuyển sang làm việc tại 1 Tập đoàn lớn của Việt Nam, vì lý do gì mà anh lại quyết định quay trở lại đây để làm việc và cống hiến một lần nữa?
Như tôi đã nói ở trên, Newday Media hiện tại đang là 1 trong những công ty Event hàng đầu Việt Nam. Các sự kiện của NDM hiện tại là các sự kiện lớn như các lễ hội, các sự kiện cho các tập đoàn lớn tại Việt Nam và một số tập đoàn Quốc tế. Ở Newday Media có một môi trường tốt để phát triển về nghề, có một người sếp tốt để học hỏi.
Ngoài ra, ở NDM còn có cái tình. Sự quan tâm của Ban lãnh đạo tới các nhân viên, giữa các đồng nghiệp với nhau.
Và NDM cũng là nơi tôi gắn bó từ thời điểm công ty còn là một mô hình nhỏ, đang nỗ lực cạnh tranh để giành chỗ đứng cho mình, cho đến lúc công ty lớn mạnh hơn. Ở nơi đây có rất nhiều kỷ niệm cũng như tình cảm mà tôi trân trọng.
Đó là lý do tôi quyết định quay lại và gắn bó với Newday Media.
6. Anh hãy kể về một sự kiện / kỉ niệm mà anh nhớ nhất trong quá trình làm việc tại Newday Media
Tôi vẫn còn nhớ khi đó, chúng tôi nhận được thông tin mời thầu trước ngày diễn ra sự kiện 20 ngày. Và trong vỏn vẹn 3 ngày, chúng tôi đã đưa ra concept, kịch bản, kế hoạch chương trình, đánh bại 4 công ty chuyên tổ chức lễ hội trong vòng thuyết trình và sau đó có 17 ngày để triển khai sự kiện với quy mô sân khấu gần 2000m2 với hàng trăm diễn viên, nghệ sĩ, ca sĩ, ekip sản xuất cho chương trình.
Chương trình đã thu hút gần 30.000 khán giả là người dân tại Thanh Hóa, các khách du lịch trong và ngoài nước. Đây là một con số vô cùng ấn tượng. Bạn cứ tưởng tượng khi ánh đèn sân khấu sáng lên, nhìn thấy hàng chục ngàn người xung quanh, đó là khoảnh khắc xúc động đến như thế nào.
Sự kiện đó cũng đã đem lại cho chúng tôi giải Vàng trong lễ trao giải Stevie Award 2018 cho hạng mục “Chiến dịch truyền thông, PR xuất sắc của Năm cho Sự kiện và Lễ hội”.

7. Điều mà anh nuối tiếc nhất đến thời điểm hiện tại?
Có lẽ là việc chưa lấy vợ chăng 😀
8. Anh có thể chia sẻ về những dự định cho thời gian sắp tới?
Mong muốn của tôi là trở thành 1 Event Director và nổi tiếng hơn, được tham gia vào nhiều loại hình sự kiện hơn. Và tất nhiên là xây dựng được 1 phòng Event mạnh hơn, đoàn kết hơn, thiện chiến hơn. Bên cạnh đó thì không quên dành thời gian cho gia đình và bản thân nhiều hơn.
7. Lời nhắn nhủ, lời khuyên đến với những thế hệ đàn em trong công ty?
Các bạn còn trẻ, còn nhiều cơ hội để va vấp, trải nghiệm, học hỏi và có nhiều điều kiện phát triển hơn lứa của chúng tôi ngày trước. Các bạn đang được làm trong một môi trường năng động, có nhiều sự kiện lớn để học hỏi chứ không phải đi dần từng bước qua từng sự kiện nhỏ. Đó là 1 thuận lợi để học hỏi và phát triển nhanh, nhưng đi kèm với đó, các bạn cũng nên sàng lọc và nâng cao tính cẩn thận trong công việc, nếu không sẽ rất dễ bị cuốn theo guồng quay và phạm phải các sai lầm đáng tiếc.